image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Tài liệu cơ bản về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Lượt xem: 138
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TRUNG QUỐC VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

​​download.png

Quốc kỳ Trung Quốc

Bản_đồ_hành_chính_Trung_Quốc.png

​Bản đồ Trung Quốc​

I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TRUNG QUỐC

1. Khái quát chung

- Tên nước:  Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (The People's Republic of China)

- Quốc khánh: 01/10/1949

- Thủ đô: Bắc Kinh

- Vị trí địa lý: Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu; phía Đông Nam đại lục Á – Âu, phía Đông và giữa Châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương. Trung Quốc có đường biên giới chung với 14 nước gồm: Nga, Mông Cổ (phía Bắc); Kazakhstan, Kirgistan, Tajikistan (phía Tây); Afganistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Butan (phía Tây Nam); Myanmar, Lào, Việt Nam (phía Nam); Triều Tiên (phía Đông).

- Diện tích: 9,6 triệu km2

- Dân số: 1,367 tỷ người (cuối 2014), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,52%.

- Dân tộc: Trung Quốc là quốc gia đa sắc tộc với 56 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Hán chiếm đa số (94%), 55 dân tộc thiểu số khác chiếm 6% dân số và sinh sống phân bố trên 50-60% diện tích cả nước.

- Hành chính: gồm 31 đơn vị hành chính cấp Tỉnh (trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 22 tỉnh và 5 khu tự trị), 2 Đặc khu hành chính (Hồng Công, Ma Cao). Bốn cấp hành chính gồm tỉnh, địa khu, huyện, xã.

- Tôn giáo: 4 tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.

- Ngôn ngữ: Tiếng Hán phổ thông lấy âm Bắc Kinh làm tiêu chuẩn.

- Tiền tệ: Nhân dân tệ (1 USD = 6.2 NDT)

2. Thể chế chính trị

- Thể chế nhà nước: Hiến pháp Trung Quốc quy định, CHND Trung Hoa là nhà nước Xã hội chủ nghĩa của nền chuyên chính nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công - nông làm nền tảng; chế độ Xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản; chuyên chính nhân dân là thể chế của nhà nước.

Cơ cấu Nhà nước bao gồm: Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Chủ tịch nước, Quốc Vụ viện (Chính phủ), Ủy ban Quân sự Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ở địa phương: Đại hội Đại biểu Nhân dân (HĐND), Chính quyền và Toà án, Viện Kiểm sát các cấp.

- Đảng cầm quyền: là Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập 01/7/1921). Tính đến cuối 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc có khoảng 86 triệu Đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 gồm 376 Ủy viên (205 chính thức và 171 dự khuyết); Bộ Chính trị gồm 25 người, trong đó có 7 Ủy viên Thường vụ; Ban Bí thư Trung ương Đảng có 7 người. 

Ngoài Đảng Cộng sản, Trung Quốc còn có 8 đảng phái khác, đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khuôn khổ "hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản". Các đảng phái này bao gồm: Hội Cách mạng Dân chủ, Liên minh Dân chủ, Hội Kiến quốc dân chủ, Hội Xúc tiến dân chủ, Đảng Dân chủ công nông, Đảng Chí công, Cửu tam học xã và Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan.

Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng của Trung Quốc. Cơ cấu này có chức năng, vai trò tương tự như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc của ta.

- Lãnh đạo chủ chốt:

+ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Nhà nước Trung Quốc: Tập Cận Bình

+ Thủ tướng Quốc Vụ viện nước CHND Trung Hoa: Lý Khắc Cường

+ Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa (Chủ tịch Quốc hội): Trương Đức Giang

+ Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa (Chủ tịch Chính hiệp): Du Chính Thanh

+ Bộ trưởng Ngoại giao nước CHND Trung Hoa: Vương Nghị

3. Tình hình kinh tế - xã hội

a) Mục tiêu chiến lược và các bước phát triển của Trung Quốc

Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2002) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là xây dựng toàn diện xã hội khá giả với các tiêu chí: GDP năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2000; dân chủ và pháp chế XHCN hoàn thiện hơn; tố chất đạo đức, tư tưởng, văn hoá, giáo dục, sức khỏe của người dân được nâng cao rõ rệt; năng lực phát triển bền vững được tăng cường. Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2007) đưa ra yêu cầu mới, cao hơn đối với sự phát triển của Trung Quốc, theo "quan điểm phát triển khoa học", thay đổi phương thức phát triển, với phương châm "vừa tốt vừa nhanh", cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả, giảm tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường. Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) nêu mục tiêu phát triển chiến lược tổng thể là thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" với lộ trình 2 bước: đến năm 2020 "hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, với tổng lượng GDP và thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp đôi so với năm 2010"; đến năm 2049 "hoàn thành xây dựng Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa". 

Sau Đại hội 18 đến nay, Trung Quốc đã lần lượt tổ chức Hội nghị Trung ương 3 (11/2013), Trung ương 4 (10/2014) Khóa 18 thông qua nghị quyết về "đi sâu cải cách toàn diện" và "thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật" với phạm vi và mức độ cải cách lớn chưa từng có.

b) Một số tình hình chính

Sau 65 năm xây dựng đất nước và 35 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên rõ rệt: Trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm luôn đạt mức 9-10%, kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc lần lượt vượt qua Đức (năm 2008), Nhật (năm 2010) vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ.

Từ năm 2012 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có xu thế chậm lại, một phần do Trung Quốc chủ động giảm tăng trưởng để tập trung thực hiện điều chỉnh kết cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển. GDP các năm 2012 và 2013 tăng trưởng 7,7%; năm 2014 tăng trưởng giảm xuống 7,4% (mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay); tổng lượng GDP năm 2014 đạt khoảng 10.300 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 3.200 USD. Trung Quốc cũng là nước đứng đầu thế giới về thương mại và đầu tư: tổng kim ngạch ngoại thương năm 2014 đạt hơn 4.300 tỷ USD; thu hút FDI thực tế đạt 119,6 tỷ USD; đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) đạt 102,9 tỷ USD; là nước có mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với khoảng 4.000 tỷ USD (6/2014).

Về khoa học công nghệ: Với sự đầu tư lớn trong những năm gần đây, nền khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thời gian qua đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở các ngành mũi nhọn và công nghệ mới như hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, vật liệu mới, hải dương học, kỹ thuật quân sự... Trung Quốc đã chế tạo thành công tàu lặn chở người xuống độ sâu trên 7.000m, tàu vũ trụ đưa người lên quỹ đạo Trái đất, tàu thám hiểm Mặt trăng, hệ thống siêu máy tính mạnh nhất thế giới, cùng nhiều vệ tinh ứng dụng và trang thiết bị quân sự hiện đại. Đường sắt cao tốc rất phát triển với tổng chiều dài lên tới 16.000 km (chiếm hơn 60% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới).

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung Quốc cũng đang đứng trước không ít thách thức to lớn trên nhiều mặt. Trong đó gay gắt nhất là vấn đề mô hình phát triển: sau 35 năm cải cách mở cửa, phương thức phát triển theo chiều rộng đã chạm ngưỡng, buộc Trung Quốc phải tìm ra hướng đột phá mới trong cải cách, thực hiện điều chỉnh kết cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề bức xúc trong xã hội, như khoảng cách thu nhập, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, nạn tham nhũng, mâu thuẫn dân tộc tôn giáo… cũng là những nguy cơ đe dọa tới ổn định xã hội của Trung Quốc.

4. Về quan hệ đối ngoại:

Trung Quốc khẳng định kiên trì đi con đường phát triển hòa bình; theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ. Với thế và lực không ngừng gia tăng, Trung Quốc giương cao ngọn cờ "xây dựng thế giới hài hoà, Châu Á hài hoà", tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế và khu vực như biến đối khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm đói nghèo, các điểm nóng về an ninh v.v..; phát huy vai trò "nước lớn có trách nhiệm".

Trung Quốc không ngừng khẳng định vai trò trong nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc nâng cao vị thế quốc tế, khẳng định vai trò quan trọng tại khu vực; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn đặc biệt là với Mỹ, Nga; coi trọng và thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng; gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi; đẩy mạnh thực hiện chiến lược biển. Đồng thời Trung Quốc những năm gần đây cũng tăng cường sức mạnh mềm để góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng ra thế giới bên ngoài; đề xuất và thúc đẩy hàng loạt sáng kiến kết nối kinh tế khu vực, trong đó có chiến lược "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Với ASEAN: Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do (CAFTA), đi vào hoạt động từ năm 2010. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Mỹ và EU) của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 480 tỷ USD, tăng 7,1%; đầu tư song phương lũy kế đến cuối tháng 9/2014 đạt 123 tỷ USD, trong đó ASEAN đầu tư vào Trung Quốc hơn 90 tỷ USD, Trung Quốc đầu tư vào ASEAN khoảng 33 tỷ USD.

II. QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUÔC

1. Quan hệ chính trị

Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện". Tiếp xúc cấp cao được duy trì với nhiều hình thức, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết tranh chấp, bất đồng. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài.

Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng; tổ chức 10 cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng.

Hai bên thành lập cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (2006) để điều phối tổng thể các mặt hợp tác trong quan hệ hai nước. Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận văn bản hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2002), hai Bộ Công an (2003), hai Bộ Quốc phòng (2003)...

Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức với các cơ chế như: Ủy ban công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc); Nhóm công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các Bộ/ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Côn Minh (Trung Quốc).

Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được triển khai thường xuyên. Hai bên đã tổ chức 02 lần Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc với quy mô 10 nghìn người tại Quảng Tây (2010, 2013); 02 lần Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc (2010, 2013), 06 lần Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, 14 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.

2. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư 

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại Việt - Trung tăng hơn 1.800 lần, từ 32 triệu USD (1991) lên gần 60 tỷ USD (2014), từ năm 2004, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 58,78 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất 14,91 tỷ USD, nhập 43,87 tỷ USD (lần lượt tăng 17,16%, 12,70% và 18,76% so với cùng kỳ 2013).

Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 02/2015, Trung Quốc có 1109 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 7,99 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhằm tăng cường các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là hợp tác trong việc phòng ngừa tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế, giữ vững an ninh tiền tệ ở mỗi nước, hai bên đang thúc đẩy thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ.

3. Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch

Về giáo dục: Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc và khoảng trên 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam.

Về văn hóa, thể thao: hai bên đang tích cực triển khai "Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2013 - 2015"; thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực. Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá - thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả "Thoả thuận về hợp tác Thể dục thể thao"; Trung Quốc giúp Việt Nam trong việc huấn luyện và đào tạo vận động viên tài năng.

 Về du lịch: nhiều năm qua, du khách Trung Quốc luôn đứng đầu trong thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (năm 2014 là 1,95 triệu lượt người) trong khi có khoảng một triệu lượt người Việt Nam đi Trung Quốc du lịch.

4. Về biên giới lãnh thổ:

Sau khi bình thường hoá quan hệ, hai bên đã ký Thoả thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ (1993) và tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông. Đến nay, hai trong ba vấn đề do lịch sử để lại này đã được giải

- Về biên giới trên đất liền: sau khi ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (1999), ngày 31/12/2008, hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt - Trung khi lần đầu tiên giữa hai nước có một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý, có giá trị trường tồn với hai quốc gia, tạo điều kiện để tăng cường giao lưu hữu nghị và phát triển hợp tác kinh tế - thương mại. Tháng 7/2010, các văn kiện quản lý biên giới trên đất liền Việt - Trung là Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu chính thức có hiệu lực. Đến nay, hai bên đang đàm phán để ký kết Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.

- Về Vịnh Bắc Bộ: Hai bên đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000) và Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004). Đến nay, các văn kiện này đều được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi dần đi vào nề nếp, hạn chế tối đa các xung đột có thể nảy sinh. Hai bên cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra liên hợp, điều tra liên hợp nguồn thủy sản trong Vùng đánh cá chung và tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.

- Về vấn đề biển Đông: hai bên đã ký kết "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc" (2011), làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên nhất trí kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC. Trên cơ sở Thỏa thuận này, hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Đến nay, sau các vòng đàm phán, hai bên đã đạt một số kết quả gồm nhất trí thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; nhất trí chọn ra 03 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để nghiên cứu và triển khai thí điểm, gồm: Dự án về hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Dự án về nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang và Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, hai bên đã thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc (2013) nhằm nghiên cứu và bàn bạc về các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển".

Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. ASEAN hiện đã sẵn sàng và đang tích cực thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.

                                                                                                     Tháng 3 năm 2015