image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thông tin cơ bản về Thái Lan và quan hệ Việt Nam - Thái Lan
Lượt xem: 128

tl 2.png

Quốc kỳ Thái Lan

Map Thai Lan 1.gif

Bản đồ Thái Lan

------

I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nư¬ớc: Vương quốc Thái Lan 
(Kingdom of Thailand)  Quốc kỳ: 
2. Thủ đô: Băng-cốc (Bangkok).
3. Vị trí địa lý:
Thái Lan nằm ở Đông Nam Á; phía Bắc giáp Lào và Mi-an-an (Myanmar); phía Đông giáp Cam-pu-chia và Vịnh Thái Lan; phía Nam giáp Ma-lai-xi-a; phía Tây giáp biển An-đa-man (Andaman) và Mi-an-ma.
4. Diện tích: 513.120 km2.
5. Khí hậu: Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nóng, mưa nhiều.
6. Tài nguyên thiên nhiên: chủ yếu là thiếc, cao su, gas, vôn-phờ-ram (vonfram), tan-ta-li-um (tantalium), gỗ, chì, than non.
7. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 5.938 USD/năm (2016).
8. Đơn vị tiền tệ: Baht (THB) (1 USD = 30-35 baht).
9. Dân số: 65.242.477 người (2016).
10. Dân tộc: Thái 75%, Hoa 14%, Mã Lai 3%, còn lại là các dân tộc thiểu số như Môn, Khơ-me và các bộ tộc khác.
11. Tôn giáo: Phật giáo (93%), Hồi giáo 5,5%, Thiên chúa giáo và các đạo khác 1%.
12. Ngôn ngữ: Tiếng Thái là ngôn ngữ hành chính tại Thái Lan. Tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi nhưng mức độ thành thạo thấp.
13. Ngày quốc khánh: 5/12, là ngày sinh nhật Vua Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt (Bhumibol Adulyadej).
14. Kinh tế: Thái Lan hiện là một nước công nghiệp mới (trước vốn là nước nông nghiệp truyền thống). Bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ nhất và đến nay là Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ 11 (2012- 2016). Những năm 1970, Thái thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu", ASEAN, Mỹ, Nhật, EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành du lịch đóng vai trò tích cực.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế: năm 2007 đạt 4,7%, năm 2008 đạt 3,6%, năm 2009 đạt âm 2,8% (do tác động của khủng hoảng chính trị trong nước và khủng hoảng tài chính thế giới); năm 2010 đạt 8%; năm 2011 đạt 0,1%, năm 2012 đạt 6,5%, năm 2013 đạt 2,9%, năm 2014 đạt 0,7%; năm 2015 đạt 2,7% và năm 2016 đạt 3,2%.
15. Thể chế nhà nước: Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ Quân chủ lập hiến. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, quân đội Thái Lan đã lập ra Chính phủ quân sự và tiến hành dự thảo Hiến pháp mới, bản Hiến pháp mới đã được Nhà Vua phê chuẩn vào ngày 06/4/2017, tạo cơ sở cho việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2018.
- Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện gồm 150 ghế trong đó 77 ghế đại diện cho 77 tỉnh, 73 ghế được bầu từ các thẩm phán và các cơ quan độc lập của Chính phủ với nhiệm kỳ 6 năm. Hạ viện gồm 500 ghế trong đó 375 ghế bầu từ các khu vực bầu cử; 125 ghế phân chia theo tỷ lệ các đảng tham gia trong bầu cử với nhiệm kỳ 4 năm. Do tình hình bất ổn chính trị, Hạ viện đã bị giải tán ngày 09/12/2013. Thượng viện cũng bị giải tán ngày 24/5/2014, hai ngày sau cuộc đảo chính quân sự. Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-cha chính thức điều hành Thái Lan trên cương vị Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan vào tháng 9/2014. Với vai trò Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), Đại tướng Pra-dút Chan-o-cha tăng cường củng cố quyền lực hành pháp và kiểm soát về tư pháp.
- Nguyên thủ quốc gia: sau khi Nhà Vua Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt (Bhumibol Adunyadej) qua đời ngày 13/10/2016, Nhà Vua Ma-hả Va-chi-ra-long-con lên kế vị. Lễ đăng quang chính thức sẽ được thực hiện sau 01 năm để tang và lễ hỏa táng Vua Phu-mi-bôn A-đun-gia-đệt.
- Thủ tướng: Đại tướng Pra-dút Chan-o-cha (Prayut Chan-o-cha).
16. Đối ngoại:
Thái Lan tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại chú trọng quan hệ với ASEAN, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Chính phủ Pra-dút tiếp tục tranh thủ các diễn đàn đa phương, khu vực (Liên hợp quốc, APEC, G77, Đối thoại hợp tác châu Á, Hợp tác Tiểu vùng CLMTV,…) để nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước vốn suy giảm đáng kể từ sau khi giới quân sự lên cầm quyền tháng 5/2014. Về vấn đề Biển Đông, về cơ bản Thái Lan giữ thái độ trung lập, tiếp tục theo lập trường của ASEAN. Thái Lan ủng hộ việc thực hiện đầy đủ DOC và sớm hình thành COC.
Thái Lan hết sức coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, giành nhiều ngân sách cho các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tranh thủ các cơ hội do AEC mang lại. Đồng thời, Thái Lan đặc biệt coi trọng hợp tác tiểu vùng với 4 nước CLMV trong khuôn khổ Đông Nam Á lục địa. Ngoài việc quan tâm thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế sẵn có như ACMECS, GMS, Thái Lan còn đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới như Hội nghị Bộ trưởng Lao động CLMTV (khởi xướng năm 2015; vừa đăng cai Hội nghị Hợp tác Lao động cấp Thứ trưởng 28 – 29/11/2016), Diễn đàn CLMTV (khởi xướng 2016, tập hợp các quan chức cấp Bộ trưởng và doanh nghiệp hàng đầu), hợp tác du lịch CLMTV (05 nước 1 điểm đến)… Trong năm 2016, Thái Lan đã đón Thủ tướng Malaysia (9/9/2016), BTNG mới của Lào (26-29/5), Campuchia (19-20/6) và Myanmar (23-25/6).Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN mà Thái Lan thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25-27/6/2013).


PHẦN II: QUAN HỆ VIỆT NAM – THÁI LAN
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 06/8/1976.
2. Quan hệ chính trị
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976 nhưng quan hệ hai nước chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 9/1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ năm 1991 đến nay quan hệ hai nước dần được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.
Năm 2004, hai nước đã tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất. Đây là cơ chế hợp tác song phương tầm vĩ mô do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì, đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước. Quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25-27/6/2013). Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Pra-dút Chan-ocha (27-28/11/2014), hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2014-2018. Đây là văn kiện quan trọng, bao gồm tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Năm 2016, Việt Nam và Thái Lan đang triển khai các hoạt động sôi nổi tại cả hai nước để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao (06/8/1976 – 06/8/2016).
2.1 Trao đổi các đoàn cấp cao
a. Phía Việt Nam thăm Thái Lan có các đoàn:
- Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (6/2013).
- Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/1998); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2012).
- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (9/1978); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (9/1991 và 7/1992); Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thăm chính thức 12/2006, 7/2015, 02/2009 dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 14, 10/2009 dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 15, 4/2010 dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế, 6/2012 dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á, dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 5 – GMS 5 (19-20/12/2014); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thăm chính thức Thái Lan và họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3 (23/7/2015)
- Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1996); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (9/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (12/2012).
b. Phía Thái Lan có đoàn thăm ta:
- Công chúa Si-rin-thon (Sirindhorn) (thăm chính thức tháng 2/1993; 4/2000; thăm làm việc 11/2009, tháng 4/2011, tháng 5/2015);
- Thủ tướng A-nan (Anand) (01/1992), Thủ tướng Chuôn Lệch-phay (Chuan Leekpai) (3/1994, 12/1998 dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 6), Thủ tướng Ban-han (Banharn) (10/1995), Thủ tướng Cha-va-lít (Chavalit) (3/1997),
Thủ tướng Thạc-xỉn Xin-na-vắt (Thaksin Shinawatra) (4/2001); Thủ tướng
Xu-ray-út Chu-la-nông (Surayud Chulanont) (10/2006), 11/2006 dự Hội nghị Cấp cao APEC 14); Thủ tướng Xạ-mặc (Samak) (3/2008); Thủ tướng A-bị-xịt (Abhisit) (7/2009); Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt (Yingluck Shinawatra) (11/2011, 10/2012 dự cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ hai); Thủ tướng Pra-dút Chan-ocha (Prayut Chan-o-cha) (11/2014).
- Chủ tịch Quốc hội Thái Lan: Bun-ưa Pra-xợt-xu-văn (Boon-eur Prasertsuwan) (02/1996) và Chai Chít-chóp (Chai Chidchob) (21-22/7/2009); Chủ tịch Hạ viện Xổm-xặc Kiệt-xu-ra-nôn (Somsak Kiatsuranont) (8-11/10/2011); Chủ tịch Thượng viện Thi-ra-đệt Mi-phiên (Teeradej Meepien) (22-23/12/2011).
 2.2 Các cơ chế hợp tác song phương
- Nội các chung Việt Nam – Thái Lan do hai Thủ tướng đồng chủ trì lần thứ nhất tổ chức tại Đà Nẵng và tỉnh Na-khon Phan-nom (20-21/2/2004);
lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội (27/10/2012); lần thứ 3 tại Thái Lan (23/7/2015).
- Ủy ban Hỗn hợp song phương Việt Nam-Thái Lan cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất tổ chức từ 05-06/11/2013 tại Thái Lan; lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19-21/3/2015.
- Nhóm Công tác chung Chính trị - An ninh Việt Nam - Thái Lan cấp Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Tổng thư ký an ninh quốc gia Thái Lan: lần thứ 2 (2005); lần thứ 3 tại Thái Lan (03-04/7/2008), lần 4 tại Hà Nội (10-11/8/2011), lần thứ 5 tại Thái Lan (8/2012), lần thứ 6 tại Đà Nẵng (8/2013), lần thứ 7 tại Pattaya, Thái Lan (tháng 6/2015), lần thứ 8 tại Thanh Hóa (tháng 8/2016), lần thứ 9 tại Băng-cốc, Thái Lan (tháng 7/2017).
- Ủy ban Hỗn hợp Thương mại cấp Bộ trưởng lần thứ nhất (11-12/7/2012); lần thứ 2 (19-21/3/2015).
- Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao cấp Thứ trưởng lần thứ nhất (25-26/3/2010), cuộc họp lần thứ 2 (24/8/2012), cuộc họp lần thứ 3 (26-28/5/2013), cuộc họp lần thứ 4 (17/7/2014); lần thứ 5 (27-30/6/2015); lần thứ 6 (15/02/2017).
- Tham vấn Lãnh sự lần thứ nhất tại Hà Nội (12/6/2015).
3. Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư
Về thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,7 tỷ USD (tăng 16%), nhập khẩu 8,8 tỷ USD (tăng 6,2%). Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN và lớn thứ 7 của thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 7 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt trên 2,2 tỷ USD (tăng 25,6%), nhập khẩu đạt gần 4.8 tỷ USD (tăng 21,1%).
Hiện nay, Thái Lan đứng thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 458 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 8,2 tỷ USD , chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 7,29 tỷ USD), thương nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản. Việt Nam đang có 11 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng vốn đầu tư đạt 28,7 triệu USD chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, đồ dùng gia đình, du lịch, phần mềm máy tính v..v…
4. Quan hệ quốc phòng - an ninh:
Về an ninh, hai bên tích cực đẩy mạnh trao đổi đoàn; tiếp tục duy trì cơ chế họp Nhóm Công tác chung về Hợp tác Chính trị-an ninh Việt Nam-Thái Lan (kỳ họp thứ 8 đã được tổ chức tại Việt Nam từ 23 – 26/8/2016); tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tội phạm môi trường; khởi động đàm phán Hiệp định Dẫn độ; triển khai cơ chế Đối thoại Cấp cao lần thứ nhất về Phòng chống Tội phạm và Hợp tác an ninh.
Về quốc phòng, Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn, đào tạo, hợp tác không quân, hải quân; trao đổi thông tin tình báo; tuần tra chung trên biển… Hai bên cũng đang xúc tiến tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ nhất cấp Thứ trưởng, tích cực triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Viện nghiên cứu Quốc phòng Thái Lan.
5. Các lĩnh vực khác:
Về lao động, sau khi ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác Lao động và Thỏa thuận về tuyển dụng lao động (7/2015), hiện hai bên đang hoàn tất các thủ tục và điều khoản để sớm triển khai việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan trong đầu năm 2017.
Về giao thông – vận tải,  Hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Lào và Camluchia nhằm thúc đẩy mở tuyến xe khách nối Thái Lan – Lào – Việt Nam và tuyến vận tải đường thủy ven biển nối Thái Lan – Campuchia – Việt Nam trong thời gian tới.
Về nông, lâm, ngư nghiệp: Hai nước hiện đang tích cực thúc đẩy tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm; tăng cường hợp tác về phòng chống bệnh dịch trong thủy sản và chăn nuôi; tích cực xem xét việc hợp tác về giá gạo và cao su; xúc tiến ký mới Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp thay thế Bản Ghi nhớ đã ký năm 2003 để phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển mới.
Hợp tác chống đánh bắt cá trái phép: Để tăng cường hợp tác về chống đánh bắt cá trái phép, hai bên đã thiết lập cơ chế Nhóm Công tác chung giữa nhóm liên ngành 689 của ta và Trung tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp của Thái Lan. Hiện hai bên đang đàm phán thiết lập cơ chế đường dây nóng nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên biển.
Hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi nổi. Hiện nay đã có 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan, gần đây nhất là việc ký kết hợp tác giữa tỉnh Long An và tỉnh Trat (7/2015); tỉnh Kon Tum và tỉnh Udon Rat-cha-tha-ni (7/2015); tỉnh Thừa Thiên – Huế với Bangkok (7/2016). Bên cạnh đó, hai nước cũng tích cực phối hợp tổ chức hiệu quả và thực chất Hội nghị hợp tác 9 tỉnh 3 nước Thái Lan – Lào – Việt Nam có sử dụng đường 8 và đường 12 (lần thứ 19 tại tỉnh Khăm Muộn, Lào vào 12/2015). Hội nghị trù bị lần thứ 20 đã được tổ chức vào 10/2016 và dự kiến Hội nghị chính thức lần thứ 20 sẽ diễn ra tại tỉnh Bưng Càn, Thái Lan trong năm 2017./.
6. Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế:
Hợp tác tại Liên hợp quốc: Hai nước thường xuyên đánh đổi, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Nhân quyền (Thái Lan nhiệm kỳ 2015 – 2017, Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2021), Hội đồng Bảo an (Thái Lan nhiệm kỳ 2017 – 2018, Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2016). Ta cũng ủng hộ ứng cử viên của Thái Lan vào Ủy ban Công ước quyền của người khuyết tật nhiệm kỳ 2017 – 2020. Tại Hội đồng nhân quyền LHQ, hai bên thường xuyên có sự trao đổi, tham vấn ở nhiều cấp về các vấn đề quan trọng và cùng quan tâm, chia sẻ nhiều điểm chung về các vấn đề nhân quyền, có lập trường bỏ phiếu tương tự nhau trên nhiều vấn đề.
Hợp tác trong ASEAN: Thái Lan coi trọng hợp tác trong ASEAN. Ta và Thái Lan phối hợp tốt trong ASEAN, có chung lập trường trong việc xây dựng ASEAN, trong đó có việc giữ vững đoàn kết, nhất trí trong ASEAN cũng như vai trò trung tâm và mở rộng của ASEAN trong khu vực và trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... Hai bên nhất trí hợp tác, hỗ trợ Phi-líp-pin hoàn thành vai trò Chủ tịch trong năm 2017.
Hợp tác tiểu vùng: Việt Nam và Thái Lan cùng là thành viên của nhiều cơ chế hợp tác tiểu vùng như ACD, ACMECS, GMS, Mê Công – Lan Thương, Mê Công – Nhật, Mê Công – Hàn Quốc, Mê Công – Ganga (Ấn Độ), sáng kiến hạ nguồn Mê Công – Mỹ (LMI) và Mê Công và những người bạn (FLM). Ta và Thái Lan phối hợp tốt và là hai thành viên tham gia tích cực nhất trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Ta cũng phối hợp tích cực với Thái Lan trong việc thúc đẩy các nội dung hợp tác của ACD, tham gia nhiệt tình và ủng hộ Thái Lan đưa ra các trụ cột hợp tác, các sáng kiến mới trong ACD. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Thái Lan cùng với Lào luôn phản đối khi ta đề cập đến việc nghiên cứu tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Hợp tác trong APEC: Thái Lan và ta cùng là thành viên Nhóm 8 nền kinh tế chủ nhà năm APEC từ năm 2015 – 2025. Thái Lan coi trọng việc nâng cao năng lực và hỗ trợ SMEs, ủng hộ tiếp tục thực hiện các mục tiêu Bogor và việc xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020. Ta và Thái Lan thường xuyên trao đổi, phối hợp ở cấp lầm việc trong các lĩnh vực cùng quan tâm như ứng phó thiên tai, SMEs, bảo đảm lợi ích của các nền kinh tế đang phát triển. Hiện Thái Lan đang đề nghị ta cùng phối hợp xây dựng và thúc đẩy thông qua Chiến lược về MSMEs xanh trong năm 2017./.

Tháng 8/2017​