image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thông tin cơ bản về Australia và quan hệ Việt Nam - Australia
Lượt xem: 157
TÌNH HÌNH Ô-XTRÂY-LI-A VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - Ô-XTRÂY-LI-A

qk australia.png 

Quốc kỳ Australia

BD australia.jpg

Bản đồ Australia​​


I. THÔNG TIN CƠ BẢN
1. Thu nhập bình quân đầu người: 56.135 USD (năm 2017) 
2. Đơn vị tiền tệ: Đô la Úc; 1AUD = 0.75 USD (10/2018)
3. Dân số: 24,8 triệu người (ước tính 9/2018).
Các Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
+ Toàn quyền: Ông Pít-tơ Cốt-gờ-rô (Peter Cosgrove)
+ Thủ tướng: Ông Xcốt Mo-ri-xơn (Scott Morrison): từ tháng 8/2018
+ Chủ tịch Thượng viện: Ông Xcốt Rai-ần (Scott Ryan)
+ Chủ tịch Hạ viện: Ông Tô-ni Xmít (Tony Smith)
+ Lãnh tụ đối lập: Ông Bin Sót-tần (Bill Shorten)
+ Bộ trưởng Ngoại giao: Bà Ma-rít-xơ Pay-nơ (Marise Payne): từ tháng 8/2018
II. TÌNH HÌNH GẦN ĐÂY:
1. Nội trị:
- Tình hình nội trị Ô-xtrây-li-a nóng lên, đỉnh điểm là việc Thủ tướng Malcolm Turnbull ngày 24/8 phải từ chức và tổ chức cuộc bầu cử lại Chủ tịch Đảng Tự do. Bộ trưởng Ngân khố Xcốt Mo-ri-xơn đã vượt qua hai vòng bỏ phiếu để trở thành Thủ tướng thứ 30 của Ô-xtrây-li-a. Ngày 26/8, ông Mo-ri-xơn đã công bố danh sách 22 Bộ trưởng mới, Ngoại trưởng là bà Ma-ri-xơ Pay-nơ, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng. Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Cờ-rít-tốp-phơ Pai giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư và Du lịch Xtíp Xi-ô-bô chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng. Thủ tướng Man-côm Tơn-bun rút lui khỏi chính trướng. Trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 20/10 (cho ghế ông Man-côm Tơn-bun từng giữ), Liên đảng cầm quyền đã thất bại, đưa tổng số ghế tại Hạ viện chỉ còn 74/150 và rơi vào tình trạng Chính phủ thiểu số; tháng 11/2018, Liên đảng mất tiếp 1 ghế nữa trong hạ viện. Trong thời gian tới, Liên đảng phải dựa nhiều vào các nghị sĩ độc lập để thông qua các đạo luật và gặp nhiều khó khăn trong duy trì vai trò lãnh đạo tại cuộc Tổng tuyển cử dự kiến tháng 5/2019.
- Quốc phòng: Ô-xtrây-li-a tiếp tục củng cố thực lực, chú trọng tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực Tây và Tây Bắc nhìn ra Ấn Độ Dương và Đông Nam Á; công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới (1/2013), Sách trắng Quốc phòng (STQP) (3/2016), Chiến lược hợp tác mới với Nam Thái Bình Dương (11/2018). Tháng 5/2018, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã công bố tăng ngân sách quốc phòng lên thành 36,4 tỉ AUD trong năm tài khóa 2018-19 (tương đương 26,9 tỉ USD), tăng 4% so với mức 34,7 tỉ AUD của năm 2017-18.
- Kinh tế: Ô-xtrây-li-a đã trải qua 25 năm phát triển kinh tế liên tục không khủng hoảng. Trong bối cảnh suy thoái, kinh tế Ô-xtrây-li-a tăng trưởng chậm lại, đạt khoảng 2,5% -3% song vẫn thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất trong khối OECD. Trọng tâm chính sách kinh tế của Chính phủ Ô-xtrây-li-a hiện nay là: (i) Đưa ngân sách về thặng dư thông qua việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế; (ii) Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, chú trọng tự do hóa thương mại; (iii) Phát triển các ngành kinh tế phi khai khoáng, đa dạng hóa các ngành kinh tế sau khi thời kỳ bùng nổ khai khoáng chấm dứt. Tổng ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Ô-xtrây-li-a năm 2018-2019 là 4,2 tỉ AUD, tập trung chủ yếu cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với mục tiêu hỗ trợ các nước phát triển kinh tế bền vững, giảm đói nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, phòng chống bệnh dịch, nâng cao quyền phụ nữ và trẻ em gái…
2. Đối ngoại: Ô-xtrây-li-a đề cao việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ, tự do thương mại và liên kết kinh tế; ủng hộ cấu trúc khu vực hiện hành với ASEAN đóng vai trò trung tâm, duy trì quan hệ tương đối cân bằng với các nước lớn đặc biệt là nhóm bộ Tứ.
Từ khi lên nắm quyền (28/8/2018), Thủ tướng Xcốt Mo-ri-xơn tiếp tục đường lối đối ngoại khá độc lập, tự chủ và chủ động của Ô-xtrây-li-a, cụ thể: coi trọng quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ; xác định Nhật Bản là đối tác ưu tiên, triển khai chiến lược thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư với Ấn Độ; cải thiện quan hệ với Trung Quốc; riêng quan hệ với Nga tiếp tục căng thẳng; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN, đặc biệt là In-đô-nê-xi-a , Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a và Việt Nam; nỗ lực duy trì vai trò lãnh đạo tại khu vực Nam Thái Bình Dương trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
3. Về vấn đề Biển Đông: Ô-xtrây-li-a có quan điểm nhất quán và rõ ràng, yêu cầu các bên duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và một trật tự dựa vào luật lệ; đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc uy hiếp nhằm thay đổi nguyên trạng của Biển Đông; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; Ô-xtrây-li-a không đứng về bên nào trong tranh chấp. Đối với vụ kiện của Phi-líp-pin, Ô-xtrây-li-a ra tuyên bố (12/7/2016) ủng hộ và kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.
III. QUAN HỆ VIỆT NAM - Ô-XTRÂY-LI-A THỜI GIAN GẦN ĐÂY:
1. Quan hệ song phương phát triển nhanh, thực chất và hiệu quả, đặc biệt là việc chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược (3/2018). Ô-xtrây-li-a tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua việc treo cờ rủ tại các cơ quan công quyền trên toàn quốc (26/9), Thủ tướng Xcốt Mo-ri-xơn và Toàn quyền Pít-tơ Cốt-gờ-rô đã có thư chia buồn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Về trao đổi đoàn, ta thăm Bạn gần đây có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (3/2018); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (4/2018); Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (11/2018). Bạn thăm ta gần đây có: Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Pít-tơ Cốt-gờ-rô thăm cấp Nhà nước (5/2018); Bộ trưởng Ngoại giao Giu-li Bi-sốp (5/2018), Chủ tịch Hạ viện  và Chủ tịch Hạ viện Bờ-rao-uyn Bi-sốp (9/2014); Chủ tịch Hạ viện Tô-ni Xmít (6/2018); Thủ hiến vùng Lãnh thổ Bắc Ô-xtrây-li-a Mai-cơn Găn-nơ (11/2018).
Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên như: Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Ô-xtrây-li-a (lần 1 5/2018), Đối thoại về các vấn đề biển, Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng, Đối thoại Nhân quyền, Tham vấn luật pháp, Tư vấn Lãnh sự, Tham vấn cấp cao về viện trợ phát triển, Diễn đàn đối thoại chính sách nông nghiệp cấp cao, Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ, Hội nghị Đối tác kinh tế thường niên.
- An ninh, quốc phòng: Hai bên hợp tác tốt thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh... Hai bên đã ký MOU về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (2016), Ý định thư về Hợp tác Quốc phòng (3/2018), Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng (11/2018). Không quân Ô-xtrây-li-a giúp chở cán bộ chiến sỹ quân y Việt Nam cùng nhiều máy móc thiết bị lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Su-đăng (10/2018). Tàu hải quân Ô-xtrây-li-a nhiều lần thăm Việt Nam (gần đây nhất là là 03 tầu chiến Ô-xtrây-li-a thăm cảng Cam Ranh 9/2018). Ô-xtrây-li-a là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam (TP.HCM), qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...
- Kinh tế, thương mại: Việt Nam là bạn hàng thứ 5 của Ô-xtrây-li-a trong ASEAN, Ô-xtrây-li-a là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm. Tính đến tháng 9/2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,72 tỉ USD (tăng 20% so với mức 4,75 tỉ USD cùng kỳ năm 2017). Ô-xtrây-li-a đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, ta đang thúc đẩy Bạn cho phép nhập khẩu nhãn, chôm chôm, vú sữa và tôm sống nguyên con vào thị trường Ô-xtrây-li-a. Tính đến hết tháng 9/2018, Ô-xtrây-li-a có 425 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,84 tỷ USD, đứng thứ 19/128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ta hiện có 47 dự án đầu tư trực tiếp vào Ô-xtrây-li-a với tổng giá trị đạt 255,80 triệu USD.
Ô-xtrây-li-a là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018). Ô-xtrây-li-a viện trợ không hoàn lại cho ta 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh (đã khánh thành ngày 27/5/2018). Ô-xtrây-li-a sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam 84,2 triệu AUD trong giai đoạn 2018-2019, tập trung vào cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.
Giáo dục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Ô-xtrây-li-a cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam (thời điểm cao điểm lên tới 400 suất/năm, hiện nay duy trì khoảng gần 100 suất). Hiện có khoảng 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Ô-xtrây-li-a (trong đó 90% theo diện tự túc). Bên cạnh đó, các trường đại học/học viện của hai nước đang có 18 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động.
Ô-xtrây-li-a đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; hai nước đã công bố chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam - Ô-xtrây-li-a (Aus4Innovation) (11/2017); Ô-xtrây-li-a hỗ trợ thành lập và tài trợ “Trung tâm đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các start-up trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hai bên bắt đầu triển khai Chương trình Lao động Kỳ nghỉ (ký 3/2015) cho phép công dân Việt Nam sang Ô-xtrây-li-a du lịch kết hợp làm việc (từ 01/3/2017). 7 tháng đầu năm 2018, đã có gần 238.000 lượt du khách du lịch Australia tới Việt Nam, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại Ô-xtrây-li-a có số lượng khoảng 300.000 người (đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Ô-xtrây-li-a). Người Việt sống chủ yếu tại các bang Nam Ô-xtrây-li-a, đông nhất là bang Niu Xao Uên (114.000 người) và bang Vic-to-ri-a (88.200 người).
2. Về hợp tác khu vực và quốc tế: Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, EAS, APEC, LHQ. Bạn ủng hộ ta vào HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và ECOSOC 2016-2018. Bạn ủng hộ ta vào HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017-2021. Bạn đang đề nghị ta tiếp tục ủng hộ vào Hội đồng IMO nhiệm kỳ 2018-2019./.
                                                                                            (Cập nhật tháng 12/2018)