image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
Phòng Hợp tác quốc tế - Lãnh sự

I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Phòng Hợp tác quốc tế-Lãnh sự là phòng chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Sở, có chức năng tham mưu, giúp lãnh đạo Sở đề xuất, xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài và các nội dung liên quan đến công tác đối ngoại Đảng, kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại, thông tin tuyên truyền đối ngoại; hội nghị, hội thảo quốc tế; ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; quản lý nhà nước về công tác lãnh sự, quản lý đối với các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh (đoàn vào).

I. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

1. Tham mưu tổng hợp

a) Chủ trì xây dựng dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao để lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền;

b) Chủ trì, phối hợp với các phòng trực thuộc Sở và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

          2. Đối ngoại Đảng

          a) Tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo, Nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại của Tỉnh ủy; định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp và đề xuất các biện pháp liên quan đến công tác đối ngoại của Tỉnh ủy;

          b) Tham mưu tổ chức hội nghị, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại đã được Tỉnh ủy phê duyệt;

          3. Về hợp tác quốc tế

          a) Đề xuất, tham mưu tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

          b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức thực hiện bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác của tỉnh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

4. Về kinh tế đối ngoại

a) Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

b) Tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thu thập, lựa chọn và thẩm tra các đối tác nước ngoài vào kinh doanh, liên doanh, liên kết kinh tế, đầu tư tại địa phương; tổ chức vận động, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại nước ngoài;

c) Hỗ trợ, cung cấp thông tin về kinh tế đối ngoại cho các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác, đầu tư.

5. Về văn hóa đối ngoại

a) Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

b) Tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại tại địa phương và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa của địa phương ra nước ngoài.

          6. Thông tin tuyên truyền đối ngoại

          a) Tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai chương trình, kế hoạch thông tin tuyên truyền đối ngoại đã được UBND tỉnh phê duyệt;

          b) Tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối ngoại;

          c) Cung cấp thông tin phục vụ công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại khi được lãnh đạo đồng ý; phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại;

          d) Tham mưu quản lý phóng viên nước ngoài hoạt động tại địa phương; tổ chức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị - an ninh, kinh tế quốc tế và khu vực để tham mưu định hướng hoạt động đối ngoại tại địa phương.

7. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế

a) Tham mưu quản lý đối với hội nghị, hội thảo quốc tế và định kỳ báo cáo tình hình, kết quả tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định pháp luật;

b) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung và đề án tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, các quy định về thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị, hội thảo;

c) Báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại địa phương.

8. Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế

a) Tham mưu quản lý nhà nước đối với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế tại địa phương;

b) Tham mưu tổ chức triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế đã ký kết; báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế tại địa phương.

9. Về công tác phi chính phủ nước ngoài

a) Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về thủ tục và trong việc khảo sát, xây dựng và triển khai các dự án tài trợ tại địa phương theo quy định của pháp luật;

b) Tham mưu quản lý hoạt động quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của địa phương; phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

c) Tham mưu cấp có thẩm quyền đăng ký, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi các loại giấy phép hoạt động và tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức và nhân viên làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thẩm định các chương trình, dự án và các khoản viện trợ ký kết với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài;

đ) Đôn đốc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo 6 tháng và báo cáo tổng kết năm; tổng hợp xây dựng báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các nguồn vốn khác trên địa bàn tỉnh theo quy định.

10. Công tác lãnh sự

a) Tiếp nhận, kiểm tra, quản lý hồ sơ đề nghị xuất cảnh của cán bộ, công chức và viên chức trong tỉnh; hướng dẫn hồ sơ xin cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tại địa phương theo quy định;

b) Tiếp nhận, hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xét, cho phép sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

c) Tham mưu phối hợp sở, ngành liên quan theo dõi, đánh giá và tổng hợp tình hình xuất-nhập cảnh, di trú của công dân trong tỉnh và công dân nước ngoài trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh trong công tác lãnh sự tại địa phương;

d) Tham mưu phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác bảo hộ công dân đối với người Việt Nam trên địa bàn tỉnh ở nước ngoài, bảo vệ lợi ích của ngư dân trên địa bàn tỉnh có liên quan đến yếu tố nước ngoài và trong công tác lãnh sự đối với người nước ngoài trên địa bàn tỉnh;

đ) Tham mưu quản lý hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến nhân thân, tài sản, đi lại, làm ăn, sinh sống, học tập, công tác, du lịch, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định;

e) Phối hợp thực hiện chương trình MIA (tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh) trên địa bàn tỉnh.

11. Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào

a) Tham mưu quản lý đoàn ra, đoàn vào theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;

b) Tham mưu chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan tổ chức đoàn của lãnh đạo tỉnh đi công tác nước ngoài; làm đầu mối liên hệ với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi đoàn của tỉnh đi công tác nước ngoài; thẩm định các đề án đoàn ra, theo dõi, thống kê tổng hợp các đoàn ra thuộc quyền quản lý của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Tham mưu chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan tổ chức đón tiếp các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh; thẩm định đề xuất, kiến nghị của sở, ngành, địa phương về việc lãnh đạo tỉnh tiếp khách nước ngoài; thống kê tổng hợp các đoàn vào thuộc quyền quản lý của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

12. Tham mưu quản lý nhà nước về hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, phòng Hợp tác quốc tế-Lãnh sự còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách phân công.

  Điều 4. Cơ cấu tổ chức, biên chế

1. Lãnh đạo phòng

a) Phòng Hợp tác quốc tế-Lãnh sự có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng;

b) Trưởng phòng là Thủ trưởng đơn vị, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của phòng.

c) Phó Trưởng phòng là người giúp việc cho Trưởng phòng, thực hiện nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Trưởng phòng vắng, Phó Trưởng phòng được ủy nhiệm điều hành hoạt động của phòng.

d) Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Giám đốc Sở quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do UBND tỉnh ban hành và các văn bản khác theo quy định của pháp luật; việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Biên chế: Biên chế công chức của Phòng Hợp tác quốc tế-Lãnh sự được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nằm trong tổng biên chế công chức do Giám đốc Sở quyết định trong tổng số biên chế hành chính của Sở được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.

 Văn phòng sở Ngoại vụ